Việt Nam - Kỷ nguyên vươn mình
thứ bảy, 23:00, 09/11/2024

Di tích lịch sử văn hóa - Nguồn lực bền vững phát triển Thủ đô

VOV.VN - Các di tích lịch sử văn hóa hàm chứa những giá trị về lịch sử, văn hoá và khoa học. Xét dưới góc độ phát triển, đây là nguồn tài nguyên, nguồn lực đặc biệt có thể khai thác để góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của Thủ đô.

Nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Thủ đô Hà Nội đã ra sức phấn đấu, tạo sự chuyển biến tích cực với những kết quả nổi bật, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa.

Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa Hà Nội được chú trọng. Nhiều công trình văn hóa được đầu tư, tôn tạo và phát huy vai trò đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân Thủ đô.

Hà Nội là đơn vị đi đầu trong cả nước tiến hành tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể góp phần làm rõ hơn bản sắc văn hoá Thủ đô nghìn năm văn hiến. Hiện nay, thành phố có 5.922 di tích, trong đó có 1 di sản thế giới, 20 di tích quốc gia đặc biệt, 1.163 di tích cấp quốc gia, 1.500 di tích cấp thành phố và 3.238 di tích.

Các di tích lịch sử văn hóa hàm chứa những giá trị về lịch sử, văn hoá và khoa học. Xét dưới góc độ phát triển, đây là nguồn tài nguyên, nguồn lực đặc biệt có thể khai thác để góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của Thủ đô. Việc khai thác đó, dù ít dù nhiều, hay dù mới ở giai đoạn khai mở nhưng đã khẳng định được vị trí, tầm quan trọng của hệ thống di tích trong bối cảnh phát triển hiện nay.

Một số di tích lịch sử văn hóa nổi bật tại Thủ đô Hà Nội như Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội,… đã triển khai nhiều hoạt động văn hóa nhằm tôn vinh giá trị di sản và thu hút du khách. Những hoạt động này không chỉ làm phong phú đời sống văn hóa, mà còn góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô, thu hút khách du lịch, thúc đẩy kinh tế và bảo tồn giá trị di sản cho các thế hệ mai sau.

Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò

Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1997. Hiện nay, ngoài hệ thống đơn nguyên kiến trúc gốc, tại di tích đang giới thiệu hai nội dung trưng bày cố định về: cuộc sống lao tù khắc nghiệt, tinh thần kiên trung của các chiến sỹ yêu nước, cách mạng (1896 - 1954) và sinh hoạt của phi công Mỹ trong Trại giam Hỏa Lò (1964 - 1973).

Để phát huy tốt các giá trị của di tích, ngoài việc chú trọng bảo tồn các đơn nguyên kiến trúc gốc; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, hiện vật về Nhà tù Hỏa Lò, đơn vị đặc biệt chú trọng đến việc đưa các hoạt động trải nghiệm lồng ghép trong hệ thống trưng bày thường xuyên, tạo nên sự chân thực, hấp dẫn và kích thích sự tham gia của công chúng.

Ngoài hệ thống trưng bày thường xuyên, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò còn tổ chức các trưng bày chuyên đề với hoạt động trải nghiệm độc đáo. Hàng năm, đơn vị giới thiệu đến công chúng từ 3-5 trưng bày chuyên đề nhân kỷ niệm các sự kiện lịch sử hay các ngày lễ trọng đại của đất nước.

Ngoài các hoạt động trải nghiệm, tương tác trong trưng bày được tổ chức vào ban ngày, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã tổ chức chương trình tham quan, trải nghiệm di tích vào các tối thứ 7, Chủ Nhật hàng tuần với các chủ đề “Đêm thiêng liêng 2 - Sống như những đóa hoa” và “Đêm thiêng liêng 3 - Lửa thanh xuân”. Không gian di tích vào buổi tối được kết hợp giữa âm thanh, ánh sáng, cùng những câu chuyện kể chân thực về cuộc sống đọa đày nơi tù ngục, đưa du khách ngược thời gian, cảm nhận lịch sử như đang diễn ra ngay trước mắt.

Với mục tiêu đưa Di tích Nhà tù Hỏa Lò trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước khi đến với Thủ đô Hà Nội, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò sẽ tiếp tục nỗ lực trong việc sáng tạo ra các hoạt động trải nghiệm, đẩy mạnh truyền thông, nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ nhằm thu hút sự quan tâm của công chúng, từ đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là để thế hệ trẻ Thủ đô thêm hiểu, thêm yêu lịch sử dân tộc Việt Nam. 

Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Nhằm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu, phát triển đất nước, Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ và nghệ thuật phát huy giá trị văn hóa phi vật thể từ thực tiễn hoạt động tại di tích.

Di tích Quốc gia Đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những quần thể kiến trúc lâu đời và quan trọng bậc nhất ở Hà Nội và là di tích tiêu biểu, điểm đến thu hút đông đảo khách tham quan trong nước và quốc tế. Hàng năm, có hàng triệu người đến thăm khu di tích, đồng thời rất nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật cũng thường xuyên được tổ chức tại đây như các cuộc hội thảo, trưng bày, triển lãm, giao lưu văn hóa, biểu diễn nghệ thuật…

Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu khoa học về di tích, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã từng bước đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng một cách hiệu quả các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 để hướng tới một hệ sinh thái hoàn thiện hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động phát huy giá trị của Di tích.

Trung tâm đã triển khai nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin “Xây dựng Cơ sở dữ liệu số 3D di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh” nhằm kết hợp kỹ thuật công nghệ 4.0 (công nghệ tương tác, số hóa 3D, công nghệ sách điện tử, công nghệ AR/VR, công nghệ mô phỏng phục dựng 3D…) và nghiên cứu lịch sử, văn hóa.

Những sản phẩm và hoạt động này đã góp phần quan trọng đáp ứng tốt nhu cầu của khách tham quan, thực hiện hoạt động giáo dục di sản tại di tích có hiệu quả, làm cho di tích trở thành điểm đến hấp dẫn hơn, thu hút ngày càng nhiều khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu. Qua đó, từng bước đưa Văn Miếu – Quốc Tử Giám trở thành trung tâm hoạt động văn hóa, không gian sáng tạo của Thủ đô Hà Nội, là nơi giao lưu, hợp tác văn hóa với các nước.

Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội

Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội xác định việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản cùng với tổ chức các không gian văn hóa sáng tạo là nhiệm vụ trọng tâm. Trong 10 năm qua, Ban đã thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị các phố xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, trong khu Phố cổ Hà Nội; tu bổ, tôn tạo các di tích, trường học, thực hiện các dự án trọng điểm như Phố sách 19/12, không gian nghệ thuật phố Phùng Hưng...

Diện mạo đô thị đã có nhiều thay đổi ngày càng khang trang, sạch đẹp, cải thiện điều kiện sinh sống của người dân, đồng thời trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Bên cạnh thực hiện các dự án bảo tồn giá trị vật thể, Ban luôn chú trọng công tác phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, phối hợp với các nghệ sĩ, nghệ nhân, những người thực hành sáng tạo, những người yêu di sản tổ chức các hoạt động đa dạng tại các điểm do Ban được giao quản lý.

Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội đã tổ chức hàng trăm các hoạt động trưng bày, triển lãm về giá trị vật thể và phi vật thể quận Hoàn Kiếm gắn với các ngày lễ lớn. Nội dung các hoạt động đa dạng: từ giới thiệu việc bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống như các nghề truyền thống gắn với phố nghề của khu Phố cổ Hà Nội, làng nghề đến tổ chức các hoạt động triển lãm ảnh, tranh nghệ thuật, sắp đặt, giới thiệu nghệ thuật đương đại... Các hoạt động văn hóa đã đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần vào việc phát triển kinh tế, du lịch quận Hoàn Kiếm, đặc biệt là cơ hội để các nghệ sĩ, nghệ nhân sáng tạo, kết nối với công chúng.

Những hoạt động đa dạng tại quận Hoàn Kiếm đang từng bước tạo nên những không gian sáng tạo mới trong lòng các di sản. Đây là nơi để các nghệ sĩ, nghệ nhân, những người thực hành sáng tạo có môi trường thử nghiệm, thể hiện, môi trường giao lưu, trao đổi những ý tưởng mới, đưa văn hóa, nghệ thuật đến gần với công chúng, góp phần làm gia tăng sức hấp dẫn cũng như truyền cảm hứng sáng tạo, góp phần làm tái sinh khu vực di sản đô thị.

Văn hóa – “Sức mạnh mềm” đưa Hà Nội lên tầm cao

VOV.VN - Trong 10 năm qua, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, song quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Thủ đô đã ra sức phấn đấu, tạo sự chuyển biến tích cực với những kết quả nổi bật.

Bình luận

Bình luận của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng

Tin liên quan
Quảng Nam bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số

Quảng Nam bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số

VOV.VN - Thực hiện dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Gìn giữ nghề gốm truyền thống Mường Chanh

Gìn giữ nghề gốm truyền thống Mường Chanh

VOV.VN - Trong khi nhiều nghề truyền thống ở các làng quê đang lo mai một thì ở xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La vẫn còn nhiều người luôn đam mê và mong muốn lưu giữ nghề làm gốm truyền thống của cha ông. Với họ làm gốm là tình yêu văn hóa truyền thống dân tộc chứ không đơn thuần là vì kế sinh nhai.

Tiếp nhận và trưng bày các hiện vật về vua Hàm Nghi tại Quảng Trị

Tiếp nhận và trưng bày các hiện vật về vua Hàm Nghi tại Quảng Trị

VOV.VN - Ngày 7/11, tại Di tích quốc gia Căn cứ Thành Tân Sở, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ khai trương không gian trưng bày hiện vật, tư liệu về vua Hàm Nghi và phong trào Cần Vương.

Đọc nhiều