VOV.VN- Dù đều hướng tới tăng cường hiệu quả và minh bạch trong quản lý Nhà nước, Singapore và Việt Nam có những điểm khác biệt rõ rệt trong chiến lược và kết quả đạt được. Các thành tựu của Singapore mang đến nhiều bài học quan trọng cho Việt Nam khi tìm kiếm giải pháp tháo gỡ các nút thắt thể chế.
Quản lý công ở Singapore được khá nhiều quốc gia đang phát triển tham khảo và ghi nhận được nhiều bài học thực tế bổ ích. Với Việt Nam, quản lý công ở Singapore và Việt Nam là hai hình mẫu khá khác biệt trong cách tiếp cận và thực thi hành chính và quản trị công (gọi tắt là quản trị công).
Theo nhiều nghiên cứu, Singapore đã tiên phong trong việc chuyển đổi vai trò nhà nước từ kiểm soát trực tiếp sang hỗ trợ khu vực tư nhân. Từ những năm 1980, quá trình tư nhân hoá đã được triển khai, bắt đầu với việc thoái vốn qua Ủy ban Thoái vốn Khu vực Công (PSDC). Dù vẫn duy trì mức độ kiểm soát nhất định, các cải cách này đã giúp khu vực tư nhân đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, Việt Nam đã thực hiện nhiều nỗ lực trong thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, nhưng quá trình này vẫn chậm và bị chi phối bởi lợi ích cục bộ.
Vai trò nhà nước trong quản trị công của Singapore đã chuyển đổi đáng kể, nhất là qua việc giảm thiểu rào cản kinh doanh, đơn giản hoá thủ tục hành chính và tự do hoá các quy định về thuế. Các chính sách này giúp Singapore thu hút đầu tư nước ngoài và duy trì độ cạnh tranh cao. Trong khi đó, Việt Nam dù đang nỗ lực đơn giản hoá thủ tục và tăng tính minh bạch, nhưng hiệu quả còn chưa đồng đều ở các địa phương và còn phụ thuộc nặng nề vào sự hướng dẫn từ trung ương.
Công tác cải tổ dịch vụ công ở Singapore là một hình mẫu xuất sắc. Sáng kiến PS21 (“Dịch vụ Công cho Thế kỷ 21”) nhấn mạnh đổi mới, nâng cao phúc lợi nhân viên và cung cấp dịch vụ chất lượng cao. Chương trình này khuyến khích tính đổi mới, giảm bớt quan liêu và tối ưu hoá quy trình cung cấp dịch vụ. Trong khi đó, Việt Nam tuy đã đề xuất nhiều cải cách, nhưng việc triển khai thường bị trễ nên bởi sự chi phối của cơ chế quan liêu.
Đổi mới thể chế một trong những vấn đề cốt lõi là ngoài việc tái cơ cấu bộ máy thì đổi mưới căn bản tài chính công cần được nhấn mạnh. Singapore đã triển khai hệ thống quản lý như SIGMA để tối ưu hoá chi phí và tăng tính minh bạch. SIGMA (Singapore Government Integrated Management Accounting System) là một công cụ quản lý tài chính hiện đại, giúp chi tiết hoá các chi phí, đánh giá hiệu quả của từng chương trình, và hỗ trợ minh bạch trong phân bổ nguồn lực, hạn chế tối đa việc phân bổ tài chính thiếu minh bạch làm kẽ hở cho tham nhũng và lãng phí. Ngoài ra, việc phân bổ ngân sách qua hệ thống phê duyệt chọn gói (Block Vote) giúp các bộ tự chủ trong quản lý kinh phí. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn cải thiện minh bạch tài chính, nhưng hiệu quả chưa đáng kể do thiếu các công cụ hỗ trợ hiện đại.
Trong quản lý nhân sự, Singapore đã chuyển hướng phân cấp trách nhiệm tuyển dụng, trao quyền nhiều hơn cho các bộ và cơ quan địa phương. Việc điều chỉnh lương công chức theo tiêu chuẩn khu vực tư nhằm ngăn chặn chảy máu chất xám là điểm sáng nên học hỏi. Trong khi đó, Việt Nam dù đã tăng lương công chức, nhưng mức lương vẫn còn thấp, gây khó khăn trong việc thu hút nhân tài.
Việt Nam đang rất nỗ lực tái cơ cấu lại bộ máy nhà nước và các tổ chức đoàn thể khác. Song song với quá trình này, Việt Nam cần tập trng giải quyết những vấn đề sau:
Một là, tăng tính tự chủ trong quản lý nhà nước và địa phương, tạo điều kiện cho đổi mới. Hiện nay, sự phụ thuộc quá nhiều vào chỉ đạo từ trung ương đang làm giảm tính linh hoạt trong quản lý tại các địa phương. Một vài địa phương cứ phải xin cơ chế đặc thù từ TW cũng cho thấy hạn chế của sự phụ thuộc quá nhiều vào TW. Việt Nam cần trao quyền tự chủ lớn hơn cho các cơ quan hành chính địa phương trong việc quyết định và triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với tăng cường năng lực lãnh đạo và quản lý cho đội ngũ công chức và tăng cường ứng dụng công nghệ. Việc này không chỉ giúp địa phương nhanh chóng thích nghi với đặc thù riêng mà còn thúc đẩy sự sáng tạo trong quản lý.
Hai là, cải thiện minh bạch tài chính nhà nước qua các công cụ quản lý hiện đại như SIGMA. Việc ứng dụng các công cụ hiện đại như SIGMA có thể giúp Việt Nam giám sát hiệu quả các nguồn lực tài chính. Cần xây dựng một hệ thống quản lý tài chính thống nhất, cung cấp dữ liệu chính xác về chi tiêu và kết quả thực hiện. Điều này không chỉ giảm thiểu tình trạng thất thoát mà còn tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan công quyền.
Ba là, nâng cao mức lương và phúc lợi cho công chức, đảm bảo tính cạnh tranh so với khu vực tư. Hiện tại, mức lương công chức ở Việt Nam vẫn chưa đủ hấp dẫn để giữ chân nhân tài. Việc giảm biên chế nếu không cẩn thận sẽ mất chất xám từ cơ quan Chính phủ. Do vậy, Chính phủ cần điều chỉnh mức lương dựa trên năng lực và kết quả công việc, đồng thời bổ sung các chính sách phúc lợi như bảo hiểm y tế, hỗ trợ giáo dục cho con cái công chức, hoặc các khoản thưởng dựa trên hiệu suất công việc. Điều này không chỉ cải thiện đời sống công chức mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ công.
Cuối cùng, xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp và thúc đẩy đổi mới. Ngoài các biện pháp kinh tế, việc xây dựng văn hoá làm việc minh bạch, chuyên nghiệp và khuyến khích sáng tạo là yếu tố quan trọng. Các cơ quan cần áp dụng những mô hình quản lý hiệu quả, tổ chức các khoá đào tạo kỹ năng lãnh đạo và quản trị cho cán bộ cấp cao để nâng cao năng lực điều hành.
Việc đưa kinh nghiêm Singapore để tham khảo là bài học thực tiễn bổ ích giúp Việt Nam tiến gần hơn tới một hệ thống quản lý nhà nước hiện đại và hiệu quả.
Tham khảo:
Haque, M. Shamsul (2009). "Public Administration and Public Governance in Singapore." In Pan Suk Kim (Ed.), Public Administration and Public Governance in ASEAN Member Countries and Korea. Seoul: Daeyoung Moonhwasa Publishing Company.
Jones, David Seth (1999). "Public Administration in Singapore: Continuity and Reform." In Handbook of Comparative Public Administration in the Asia-Pacific Basin. Marcel Dekker.
World Factbook: Singapore (2007, 2008). Central Intelligence Agency.
VOV.VN - So với những lần trước, tinh gọn tổ chức bộ máy lần này thực sự là một cuộc cách mạng, đấy là điểm khác biệt và đáng chú ý nhất - Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đánh giá.
VOV.VN - Tại buổi tiếp xúc cử tri tại Hậu Giang, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, tới đây là Trung ương phải gương mẫu đi đầu trong sắp xếp từ Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương như thế nào thì địa phương như thế đó, để giảm bộ máy, hướng tới bộ máy phải hoạt động tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả.
VOV.VN - Dự kiến phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết số 18, tỉnh Điện Biên sẽ giảm 5 cơ quan cấp tỉnh, 2 cơ quan chuyên môn cấp huyện và 31 đơn vị sự nghiệp công lập.
Bình luận
Bình luận của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng